Mọi người đã từng biết đến Sân bay quốc tế Kansai nằm ở Osaka của Nhật Bản chưa?
Với những ai đã từng đặt chân đến các vùng như Kinki, Chukoku, Shikoku,… ở phía Tây của Nhật Bản thì chắc hẳn đã có cơ hội đến với sân bay quốc tế Kansai.
Sân bay quốc tế Kansai được mở cửa vào năm 1994 và là sân bay kết nối vùng phía Tây Nhật Bản với thế giới. Nhưng để được như hiện nay thì trước kia, sân bay quốc tế Kansai chỉ là một vùng biển hoang vắng.
Sân bay quốc tế Kansai được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo, hòn đảo này được tạo nên nhờ chính kĩ thuật xây dựng của Nhật Bản. Và đây cũng là sân bay quốc tế đầu tiên trên thế giới được xây dựng trên vùng biển.
Dưới đây là những thông tin về hòn đảo nhân tạo- nơi sân bay quốc tế Kansai được xây dựng.
(Đảo nhân tạo thứ nhất)
Diện tích : 510ha
Năm khởi công: 1987
Năm khánh thành: 1991
Năm chính thức mở cửa sân bay: 1994
Sân bay quốc tế Kansai nằm trên đảo nhân tạo thứ nhất, được mở cửa chính thức vào năm 1994 nhưng lúc này sân bay chỉ có duy nhất một đường băng(3,500m). Chính vì thế, khi số lượng máy bay hạ cánh và cất cánh từ sân bay tăng lên thì vào năm 1999, đảo nhân tạo thứ 2 chính thức được khởi công.
(Đảo nhân tạo thứ 2) *nằm kề về phía tây của đảo nhân tạo thứ 1
Diện tích : 545ha *Tổng diện tích đã hoàn thành : 525ha
Năm khởi công: 1999
Năm khánh thành: 2007 *Bắt đầu khai thác đường băng thứ 2
Quá trình xây dựng đảo nhân tạo trên biển gồm 3 quá trình chính được mô tả như dưới đây, và ở mỗi quá trình lại bao gồm nhiều kỹ thuật và công nghệ khác nhau.
1. Xây nền móng, cải thiện nền đất
Nền đất ở dưới đáy biển là nền đất yếu và nhão nên nếu xây dựng trực tiếp trên nền đất đó thì sẽ không thể chịu được sức nặng của toàn bộ cấu trúc công trình.
Việc xây dựng một nền móng vững chãi trên tầng đất ở đáy biển là quá trình đầu tiên, và là yếu tố tiên quyết và vô cùng thiết yếu.
Đây là quá trình cải thiện nền đất ở đáy biển, củng cố và làm cho nền đất trở nên vững chắc hơn.
2. Xây dựng đê biển
Sau khi cải thiện nền đất, quá trình xây dựng đê để bảo vệ vùng biển sẽ xây đảo được tiến hành.
Con đê này được xây dựng nhằm mục đích làm ranh giới phân cắt giữa biển và vùng đất, và sẽ tạo thành một “hàng rào” được làm từ sắt và bê tông. Nếu như không có “hàng rào” này thì lớp đất sẽ bị cuốn trôi và cũng không thể bảo vệ đảo trước những cơn sóng lớn.
Đây là quá trình vô cùng quan trọng để có thể xây dựng được nhân tạo.
3. Quá trình san lấp
Sau khi hoàn thành con đê bảo vệ, người ta bắt đầu đổ đất, cát vào trong “hàng rào” đó. Đất và cát được đổ vào đây chính là đất của đảo nhân tạo.
Số đất cát được đổ vào 2 đảo nhân tạo của sân bay quốc tế Kansai phần lớn được thu thập từ Osaka và các tỉnh quanh vùng Kinki.
Để xây dựng được đảo nhân tạ, người ta đã trải qua quá trình này và tiêu tốn hàng năm trời để hoàn thiện.
Hơn nữa, ngoài sân bay quốc tế Kansai, Nhật Bản còn sử dụng kĩ thuật này để xây dựng các sân bay trên biển như sân bay quốc tế Chubu (hoàn thành năm 2005), sân bay Kobe (hoàn thành năm 2006), sân bay Kitakyushu (hoàn thành năm 2006),…
Các bạn có thấy những kỹ thuật ở trên rất thú vị phải không nào?
Kể từ sau năm 2011, số lượng khách du lịch là người nước ngoài đến sân bay quốc tế Kansai, ngày càng tăng lên, và vào năm 2016, con số này vượt trên 12 triệu lượt người- cao nhất từ trước đến nay.
Nhờ có sân bay quốc tế Kansai mà số người nước ngoài đến thăm Nhật Bản đã đem lại những ảnh hưởng tích cực cho nên kinh tế Tây Nhật Bản thêm năng động và nhiều khởi sắc. Vì thế mà sân bay trên biển- sân bay quốc tế Kansai đóng một vai trò vô cùng to lớn cho nền kinh tế Tây Nhật Bản!