Khách sạn con nhộng Nhật Bản

Khách sạn con nhộng và hành trình 40 năm nhìn ra thế giới

40 năm kể từ khi khách sạn con nhộng (Capsule hotel) đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt động tại Osaka, hình thức khách sạn này đã không ngừng phát triển và hiện đã có vô vàn biến thể từ hình thức khách sạn giá rẻ và chỉ nhằm để ngủ ban đầu.Khách sạn mô phỏng phi thuyền không gian và Capsule Hotel đầu tiên trên thế giới được khánh thành gần ga Umeda Osaka vào tháng 2 năm 1979.

cp2

Ký ức của người tham gia phát triển dự án khách sạn

Yoshinori Nakano, người tham gia phát triển dự án khách sạn hồi tưởng lại: “Bối cảnh ra đời khách sạn là khi Triển lãm Osaka World Expo được tổ chức vào năm 1970 và kinh tế Osaka đang trên đà phát triển. Làm hết sức, chơi hết mình. Osaka khi ấy đích thực là một “thành phố không ngủ”. Hành lang các cơ sở xông hơi hoạt động 24/24 hay ngay tại sàn của các sảnh chờ, đâu đâu cũng có người ngủ. Chứng kiến khung cảnh như vậy, ông đã có suy nghĩ “Tôi muốn tạo một không gian mang tới cảm giác giấc mộng tương lai, tạo ra một nơi chữa lành và xoa dịu nỗi vất vả của người lao động”.

“Những gì nảy ra trong suy nghĩ tôi lúc ấy là tác phẩm mà kiến trúc sư Kisho Kurakawa đã kết hợp những khối hình lục giác được công bố tại hội trợ triễn lãm Osaka World Expo. Sau khi thảo luận với văn phòng kiến trúc sư Kisho, chúng tôi đã quyết định nhờ văn phòng đảm nhiệm công việc thiết kế.

Chúng tôi đặt khách sạn ở phía trên của phòng tắm hơi và bố trí dãy phòng với nhiều phòng chồng lên nhau dạng tầng trên, tầng dưới. Khách sạn gợi đến hình ảnh phi thuyền không gian, được thiết kế khéo léo để người sử dụng có thể nằm xem tivi và có thể với tay tới công tắc điện một cách dễ dàng. Mỗi phòng có kích thước 1x2m tương ứng với chiều rộng và chiều sâu. Phòng cho nam giới chỉ với 1600円/ đêm và đã nhanh chóng kín phòng trong nhiều ngày liên tiếp.”

Nhóm khách hàng nữ và du khách nước ngoài với Capsule Hotel

Dù khách sạn con nhộng đầu tiên là Capsule Inn Osaka, Kotobuki Seating (Tokyo) mới là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ở thời điểm hiện tại. Với ưu thế rẻ, tiện lợi và an toàn, hình thức khách sạn con nhộng nhanh chóng phát triển rộng khắp Nhật Bản. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng khách sạn con nhộng đạt đỉnh vào năm 1991 và nhanh chóng giảm mạnh do sự sụp đổ của bong bóng kinh tế. Đối lập với làn sóng rút khỏi ngành, chủ tịch Fukusawa của công ty lại cho rằng “Miễn là còn có khách sử dụng thì còn tiếp tục kinh doanh. Khách sạn khoang ngủ chính là một dạng cơ sở hạ tầng của xã hội”. Và với suy nghĩ như vậy, ông tiếp tục xây dựng những căn phòng khách sạn nơi mọi người có thể chợp mắt sau giờ làm căng thẳng và tiếp tục phát triển các chi tiết trong phòng ở cấp độ cao hơn.

Chính nhóm khách hàng nữ và du khách nước ngoài đã cứu ngành kinh doanh khách sạn này khỏi tình thế khó khăn. Xã hội thời bấy giờ đã chứng kiến những đổi thay về phạm vi làm việc của các nữ nhân viên khi họ phải tăng ca hay đi công tác thường xuyên hơn. Số lượng khách du lịch một mình cũng không ngừng gia tăng. Đó cũng là thời kỳ xuất hiện các hãng hàng không giá rẻ cũng như việc đặt phòng trực tuyến từ nước ngoài ngày càng đơn giản hóa. Bắt đầu từ khoảng 2010, hàng loạt khách sạn con nhộng đã vươn lên, triệt để phá bỏ dòng suy nghĩ đã định hình trước đó về khách sạn “rẻ và chỉ để ngủ”.

cp3

Năm 2009, khách sạn “Nine Hours” (tạm dịch Khách sạn 9h) đầu tiên chính thức mở cửa tại Kyoto. Khác với hình ảnh nhà khối hộp lục giác truyền thống, phòng khách sạn dạng ống tròn mang lại cảm giác mềm mại với kiến trúc đơn giản không trang bị TV. Kei Yuike, người sáng lập khách sạn này chia sẻ: “Tôi luôn suy nghĩ về việc cung cấp gói dịch vụ với thời gian lưu trú vừa đủ. Dịch vụ lưu trú 9h với 1h dành cho tắm rửa, 7h để ngủ và 1h dành cho việc chăm chút sửa soạn bản thân.”

Số lượt sử dụng tại Kotobuki đã tăng khoảng 10 lần trong 5 năm từ 2011 đến 2016. Vào năm 2017, số lượt sử dụng đã tăng lên mức kỷ lục, vượt qua cả năm 1991.

Xu hướng phát triển hiện tại

Xu hướng phát triển hiện nay của các Capsule Hotel là sử dụng công nghệ cao và gia tăng các dịch vụ tiện ích.

“Premier Inn Kyoto Shijo Karasuma Store” mở cửa vào mùa xuân năm nay cũng bố trí một tầng riêng dành cho phụ nữ và bạn có thể dễ dàng nhìn thấy khu vệ sinh và bồn tắm công cộng lớn luôn ở trạng thái đông nghẹt. Nhờ các cảm biến được lắp đặt tại cửa ra vào và trong tủ quần áo, đơn vị quản lý có thể dễ dàng nắm được trạng thái sử dụng và gửi thông tin tức thời đến các khách hàng.

“The Millennials Shibuya”, khách sạn mới khai trương vào tháng 3, có số lượng du khách nước ngoài sử dụng dịch vụ chiếm đến 70% tổng số. Khách sạn này bố trí sảnh khách và không gian làm việc chung để những người thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau có thể sử dụng. Mục đích bố trí như vậy là để khuyến khích sự tương tác giữa các khách hàng và tạo điều kiện cho những cuộc gặp gỡ giao lưu và các cơ hội mới.

Khách sạn kiểu khoang ngủ, vốn từng bị chế giễu khi bị xem như “chuồng thỏ”, giờ đây với sự trợ giúp của mạng xã hội SNS, đã vươn ra thế giới và tiếp tục lan tỏa sức hút của mình tới những nhóm khách hàng mới.

Reference source
: https://www.asahi.com/articles/ASL5L6TXLL5LUZVL005.html

Admin H.H (dịch)