Du học với kinh phí hữu hạn. Lập kế hoạch và quản lý tài chính

( Phần tiếp theo của Du học Nhật Bản – không ngại từ bỏ và học lại từ đầu)

Du học Nhật Bản – không ngại từ bỏ, và học lại từ đầu

Phần 2: Du học với kinh phí hữu hạn. Lập kế hoạch và quản lý tài chính

Từ khi còn là sinh viên đại học, cũng như các bạn trẻ xung quanh, tôi luôn muốn có cơ hội bước chân ra ngoài, ngắm nhìn, trải nghiệm cuộc sống học tập và làm việc nơi xứ khác. Điều kiện tài chính là yếu tố khiến bản thân tôi đắn đo và trì hoãn. Xét đến cùng là do quyết tâm chưa đủ lớn. Du học lúc ấy là kiểu: Đi thì tốt, không đi cũng không sao.

Ra trường đi làm, cuộc sống càng ngày càng áp lực và nhiều trách nhiệm. Đã có lúc tôi cảm thấy: Việc hít thở thôi cũng thật khó khăn. Môi trường làm việc, môi trường sống như vậy chắc chắn không phải là điều tôi muốn cho quãng đời còn lại. Vì thế, khi còn chưa già lắm, khi dũng khí và tự tin vẫn còn, tôi quyết định đánh cược một lần thật mạo hiểm: ĐÃ THÍCH RỒI THÌ PHẢI NHÍCH THÔI!!!

 

Tại sao là Nhật Bản?

naht ban trong mat toi2

Vì môi trường sống có vẻ phù hợp với tính cách cá nhân, có nhiều công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Quan trọng là so với nhiều nước khác, chi phí du học nhỏ hơn rất nhiều. Và bạn hoàn toàn có thể đảm bảo sinh hoạt phí cũng như học phí tại Nhật nếu chăm chỉ và khéo thu xếp cuộc sống.

Tôi thấy nhiều trung tâm hay giới thiệu các chương trình du học vừa học vừa làm, nhiều bạn tư vấn cố tình vẽ lên những miếng bánh rất to: Có thể làm đến 2-3 việc, thu nhập mỗi tháng 30-40tr/ đảm bảo học phí dư dả và có tiền gửi về gia đình.

Điều đó có đúng không? ĐÚNG nhưng cũng KHÔNG ĐÚNG. Tôi có cảm giác họ mới đưa cho bạn một nửa thông tin. Mà tôi nghĩ “nửa sự thật chẳng phải là sự thật”.

Công việc ở Nhật có nhiều không? Cực nhiều, sự già hóa dân số kéo theo sự thiếu hụt lao động ở hầu khắp mọi ngành nghề, đặc biệt các nhà hàng, quán ăn, siêu thị… Việc bạn làm 2-3 việc là hoàn toàn có thể, nếu bạn không sợ những vấn đề phát sinh do làm việc quá sức và rắc rối về pháp luật và visa cư trú do làm quá tiếng .

Nếu bạn làm việc liều mạng như trên, bạn có thể đạt được thu nhập 40tr/ tháng và thậm chí còn hơn thế.

Tôi cảm thấy quyết định của hầu hết các bạn du học sinh đều được đưa ra dưới điều kiện thiếu hụt thông tin. Mà những quyết định như vậy, bất kể đúng hay sai, đa phần đều không phải là lựa chọn tối ưu nhất. Hơn ai hết, các bạn cần phải biết một cách rõ ràng và cụ thể những khoản chi phí phát sinh, thu nhập khả dụng và thậm chí cần chuẩn bị cho mình một khoản dự phòng.

Đôi khi tôi được hỏi: Nếu làm đúng theo quy định về làm thêm dành cho du học sinh của Luật pháp Nhật Bản (28h/tuần cho kỳ học và 40h/tuần cho kỳ nghỉ), thì em/mình có thể đảm bảo đủ sinh hoạt phí và học phí không?

Câu trả lời của tôi là CÓ THỂ. Có nếu bạn sống ở mức sinh hoạt tối thiểu và biết cách quản lý chi tiêu.

Đó là kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế của tôi sau thời gian học 1 năm ở trường tiếng. Lúc hoàn thành khóa học cũng là lúc tôi trả hết các khoản nợ phát sinh từ du học. Và trong thời gian đó, tôi vẫn kịp dành cho mình 2-3 chuyến đi xa, vài lần đi dã ngoại gần, 1-2 lần đi leo núi và vô số lần đi ngắm hoa và xem biểu diễn nghệ thuật.

 

VẬY PHẢI LÀM THẾ NÀO?

Đầu tiên, tôi muốn nói rằng du học tự túc thực sự là một quá trình khó khăn và vất vả. Bạn đừng mong đợi quá nhiều về số dư hàng tháng sau khi trả hết các khoản phí sinh hoạt, tiền nhà và các dịch vụ tiện ích. Nếu bạn muốn kiếm tiền nhanh chóng trả lãi vay và gửi trả hết nợ ở nhà, có lẽ bạn không phải là đối tượng của bài viết này.

Dưới đây, tôi sẽ chia sẻ với các bạn có cùng quyết tâm, không ngại khó không ngại khổ. Chính những bạn như vậy, tôi tin rằng với suy nghĩ và sự tôn trọng nhất định dành cho luật pháp Nhật Bản, mới là những người dễ thành công và nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống nơi đây.

Du học với ngân sách hạn chế thực chất là hai vấn đề kết hợp: Tối thiểu hóa chi phí & Tối đa hóa thu nhập.

 

TỐI THIỂU HÓA CHI PHÍ

Để các bạn dễ hình dung, tôi sẽ chia chi phí thành hai loại: Chi phí cố định và chi phí biến đổi.

Chi phí cố định là những khoản cố định không thay đổi, có thể trả một lần hoặc chia làm trả nhiều lần nhưng kiểu gì cũng phải trả. Phần này có tiền học phí, tiền nhà, tiền mạng internet

Chi phí biến đổi thay đổi tùy theo nhu cầu cá nhân. Đây là phần bạn có thể tiết kiệm ở mức nào đấy. Tối thiểu hóa chi phí có thể xem là giảm thiểu chi phí biến đổi, duy trì mức sống tối thiểu.  Các bạn có thể tham khảo chi phí sinh hoạt tại Nhật tại https://studyabroad-japan.com/helpful-info/living-cost/

Sau khi các bạn đã liệt kê được tương đối các chi phí phát sinh tại thời điểm chuẩn bị hồ sơ từ Việt Nam và sau khi qua Nhật, các bạn cần phân chia thuộc nhóm nào và thời hạn phải đóng của mỗi loại chi phí.

Đó có thể là chi phí hồ sơ, dịch thuật, phí xét hồ sơ, chứng minh tài chính, vé máy bay…

Đó cũng có thể là phần tiền học cho 6 hoặc 12 tháng ở trường tiếng, tiền nhà cho 3 hoặc 6 tháng bên Nhật. Chi phí này sẽ được đóng ngay tại Việt Nam và là khoản chi phí ban đầu tối thiểu bạn cần có.

Gần đây tôi có thấy thông tin về gói du học dịch vụ gia tăng. Điểm hay của gói du học này là bạn tự mình làm được đến đâu, họ giúp bạn tới đâu thì sẽ tính chi phí đến đó. Ngoài phần học phí và ký túc xá nộp cho trường tiếng cũng như phí xét duyệt hồ sơ, bạn hầu như không phải nộp chi phí nào khác ngoài trừ phần dịch vụ gia tăng bạn yêu cầu họ làm giúp bạn.

Ví dụ nếu bạn có người quen làm về chứng minh tài chính và bạn muốn chủ động làm => Bạn sẽ không phải trả chi phí này.

Nếu bạn tự tin với khả năng ngôn ngữ hay quen biết đơn vị dịch thuật rẻ => Bạn có thể chủ động phần hồ sơ và bạn cũng không phải trả chi phí này. Tuy nhiên, vì hồ sơ là phần đặc biệt quan trọng, bạn cần nhờ họ check lại nội dung trước khi nộp qua trường tiếng.

Và tất nhiên, nếu bạn lười và không tự tin lắm, tôi tin rằng họ cũng sẽ sẵn lòng chuẩn bị hồ sơ dưới dạng các dịch vụ GTGT giúp bạn. Phần chi phí này tôi sẽ viết kỹ hơn ở bài viết vào tuần tới.

 

TỐI ĐA HÓA THU NHẬP

Hầu hết các công việc làm thêm đều trả lương giờ. Tùy theo vùng, tùy theo vị trí nơi làm việc, cường độ làm việc và khả năng tiếng Nhật, mức lương giờ thường dao động trong khoảng 900-1200円. Các bạn đều biết là chi phí sinh hoạt chỉ có thể tiết kiệm đến một mức độ nhất định, nếu giảm quá mức này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, giảm sút về mặt trí tuệ và khó có khả năng tái tạo sức lao động. Để khiến cuộc sống của mình dễ thở hơn, điều các bạn cần làm là tăng hết mức phần thu nhập bạn có thể kiếm được từ 28h làm việc trong tuần.

Bạn có thể xin làm việc ca đêm. Có nhiều nhà hàng, quán ăn và đơn vị vận chuyển hoạt động 24/24. Khi làm đêm, lương trong khoảng khung giờ từ 10h tối trở đi sẽ được up thêm 25% nữa. Ví dụ, mức lương từ 10h tối trở đi sẽ tăng lên thành 1250円(nếu mức lương theo khung giờ ngày là 1000円) . Như vậy 1 tháng, ít nhất bạn sẽ kiếm thêm được 2.8man nhờ làm đêm. Thường các quán sẽ hoạt động đến 4-5h sáng trước khi đóng cửa và chuẩn bị đồ cho ngày làm việc tiếp theo. Các bạn ở xa nếu phải đợi tàu về nhà thì rất tốn thời gian. Do đó, việc làm đêm như vậy chỉ khả thi và bớt ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bạn có di chuyển tới chỗ làm bằng xe đạp hoặc đi bộ, để có thể chủ động về nhà nghỉ ngơi ngay sau khi kết thúc ca làm việc.

Có một cách khác hay hơn và xét về dài hạn lại mang nhiều lợi ích hơn: Nâng cao khả năng tiếng Nhậtchuẩn bị cho phỏng vấn làm thêm ngay từ khi còn ở Việt Nam. Cái lợi của việc này là gì? Bạn sẽ chủ động và bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống, chỉ trong khoảng một tuần sau khi sang, có nhiều bạn trẻ đã tự xin được những công việc rất tốt với mức lương khá cao. Thêm vào đó, khi đã tự tin phần nào về ngôn ngữ, những bạn trẻ như vậy lại có cơ hội lựa chọn những công việc gần nhà với thời gian làm việc thuận lợi và khoa học hơn. Bạn có thể làm ngày hoặc tối và dành thời gian nghỉ ngơi buổi đêm. Nếu bạn học chiều thì hoàn toàn có thể xin một công việc buổi sáng.

Với lựa chọn này, giả sử bạn làm việc từ 5h-12h đêm, lương 1050円/h và tuần làm 4 buổi, mức thu nhập của bạn trong 1 tháng vào kỳ học (tạm tính là 4 tuần) là (5×1050+ 2x1050x1.25) x4x4=12.6万円

Mức thu nhập như vậy đủ để bạn chi trả tất cả các chi phí sinh hoạt hàng tháng đồng thời tích lũy tiền học cho năm kế tiếp.

Đây là cách mà tôi khuyến khích các bạn làm theo. Nâng cao ngoại ngữ cũng là nâng cao giá trị bản thân, giúp bạn dễ dàng hơn trong lộ trình tiếp theo, bất kể học tập hay làm việc. Ngoài ra, bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi và hòa nhập cuộc sống. Xét cho cùng, học tập mới chính là mục tiêu các bạn đặt ra từ đầu. Nếu mục tiêu ban đầu không đạt được, các bạn khó có thể đạt được các mục tiêu tiếp theo khác trong con đường nhân sinh và kết cục là hoài nghi lựa chọn của chính mình.

Cuộc sống du học khó khăn, nhưng không nhất định đều là những gam màu tối.

Chúc các bạn thành công!!!