Tư cách lưu trú tại Nhật Bản

Chắc hẳn những ai đã từng tìm hiểu và thắc mắc về việc đến Nhật Bản học tập và làm việc đã nghe qua về cụm từ “tư cách lưu trú tại Nhật Bản” hay “Visa nhập cảnh”. Cả hai loại giấy tờ này đều cần thiết khi bạn lưu trú tại Nhật, thế nhưng không phải tất cả mọi người có thể phân biệt những điểm khác biệt giữa hai loại giấy chứng nhận này đúng không ạ?

Vì thế dưới đây chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn những thông tin chi tiết về Giấy chứng nhận tư cách lưu trú và Visa nhập cảnh cũng như điểm khác biệt giữa chúng.

Tư cách lưu trú ở Nhật Bản là gì?

Để có thể lưu trú, sinh sống tại Nhật thì bạn nhất định phải có được Giấy chứng nhận tư cách lưu trú- loại giấy tờ quan trọng nhất bạn cần có.

Chứng nhận tư cách lưu trú là Giấy chứng nhận được cấp cho người nước ngoài muốn lưu trú tại Nhật, hiện nay có tất cả 27 loại tư cách lưu trú.

Trong số đó, có rất nhiều loại tư cách lưu trú, từ tư cách lưu trú có thể đi làm, không thể đi làm, đến cả loại tư cách không có giới hạn đặc biệt cho việc đi làm.

Người nước ngoài (hoặc người đại diện) phải tiến hành xin cấp giấy chứng nhận tư cách lưu trú phù hợp với mục đích cá nhân trong số 27 loại chứng nhận này. Chỉ cần Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản chấp nhận đơn yêu cầu của bạn thì bạn sẽ nhận được “Giấy chứng nhận tư cách lưu trú” (tiếng Nhật là 在留資格認定証明書 ) và bạn đã có thể lưu trú tại Nhật Bản một cách hợp pháp.

 

(Chi tiết 27 loại chứng nhận tư cách lưu trú)

1. Tư cách lưu trú cho phép làm việc = 17 loại

(*Nếu có được một trong những tư cách này thì bạn có thể làm việc tại Nhật Bản)

Ngoại giao, mục đích công, giáo sư, tông giáo, y tế, nghiên cứu, giáo dục, nghệ thuật, báo chí,  kinh doanh và quản lý,  luật và nghiệp vụ kế toán, Công nghệ- tri thức nhân văn và kinh doanh quốc tế, chuyển công tác trong nội bộ doanh nghiệp, biểu diễn, kỹ năng, thực tập kỹ năng, công việc chuyên môn cao.

2. Tư cách lưu trú ngoài mục đích làm việc = 5 loại

(* Tư cách lưu trú này không cho phép bạn làm việc trong thời gian sống ở Nhật)

Lưu trú ngắn hạn, du học, đào tạo- huấn luyện, lưu trú tại gia đình, hoạt động văn hóa.

3. Tư các lưu trú vừa có thể vừa không thể đi làm=1 loại

(* Tùy thuộc nội dung công việc tại Nhật mà bạn có thể được phép đi làm hoặc không thể đi làm)

Hoạt động riêng biệt

4. Tư cách lưu trú phụ thuộc vào bản thân hoặc địa vị=4 loại
(* Không có giới hạn cụ thể về việc làm)

Vợ hoặc chồng là người Nhật, người vĩnh trú, Vợ hoặc chồng là người vĩnh trú, người định cư.

(Bảng chi tiết các tư cách lưu trú)

Loại tư cách lưu trú Có/ không thể đi làm Chi tiết
 1 Ngoại giao Có thể đi làm Là công nhân viên chức ngoại giao đại diện cho các cơ quan chính phủ như đại sứ quán,tổng lãnh sự của chính phủ nước ngoài và gia đình của họ
2 Mục đích công Có thể đi làm Là công nhân viên chức của đại sứ quán/ tổng lãnh sự quán nước ngoài, hoặc công nhân viên chức được phái cử với mục đích công của chính phủ nước ngoài và gia đình của họ
3 Giảng viên Có thể đi làm Là giảng viên, giáo sư đến làm việc cho các trường đại học,… của Nhật
4 Tôn giáo Có thể đi làm Là người truyền giáo,… được phái cử đến Nhật Bản từ các tổ chức tôn giáo của nước ngoài
5 Y tế Có thể đi làm Là bác sĩ, điều dưỡng viên, ý tá,… của bệnh viện
6 Nghiên cứu Có thể đi làm Là nhà nghiên cứu của chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân,…
7 Giáo dục Có thể đi làm Giáo viên đến làm việc tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông,… của Nhật Bản
8 Nghệ thuật Có thể đi làm Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn,…
9 Báo chí Có thể đi làm Là phóng viên, người quay phim của các báo đài thuộc các cơ quan báo chí
10 Kinh doanh và quản lý Có thể đi làm Là doanh nhân, người quản lý,… của các doanh nghiệp
11 Luật và nghiệp vụ kế toán Có thể đi làm Là nhân viên kế toán, luật sư,…
12 Công nghệ- tri thức nhân văn và kinh doanh quốc tế Có thể đi làm Các kỹ sư như cơ khí chế tạo, thông dịch viên và giáo viên ngôn ngữ của các công ty tư nhân, người làm công việc kinh doanh chuyên nghiệp quốc tế
13 Chuyển công tác trong nội bộ doanh nghiệp Có thể đi làm Là nhân viên,… chuyển công tác sang văn phòng bên Nhật từ nước ngoài đối với các doanh nghiệp có văn phòng ở Nhật
14 Biểu diễn Có thể đi làm Diễn viên, ca sĩ, vận động viên, dancer,…
15 Kỹ năng Có thể đi làm Phi công, huấn luyện viên thể thao, đầu bếp quốc tế,…
16 Thực tập kỹ năng Có thể đi làm Thực tập sinh kỹ năng
17 Công việc chuyên môn cao Có thể đi làm Nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao, đáp ứng được các tiêu chí theo quy định trong Pháp lệnh của Bộ Tư pháp Nhật Bản
18 Lưu trú ngắn hạn Không thể đi làm Khách du lịch, người nước ngoài đến thăm người thân, khách tham gia các sự kiện được tổ chức ở Nhật (đào tạo, hội thảo,…)
19 Du học Không thể đi làm Du học sinh theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề, các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông
20 Đào tạo- huấn luyện Không thể đi làm Nghiên cứu sinh
21 Lưu trú tại gia đình Không thể đi làm Là vợ/ chồng, con cái phụ thuộc vào người nước ngoài đang lưu trú tại Nhật.
22 Hoạt động văn hóa Không thể đi làm Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nhật,…
23 Hoạt động riêng biệt Vừa có thể vừa không thể đi làm Người phục vụ cho cơ quan ngoại giao (người giúp việc nhà,…), quản gia, working holiday (làm việc trong kì nghỉ),  ý tá/ nhân viên phúc lợi dựa trên Hiệp định đối tác kinh tế,…
24 Vợ hoặc chồng là người Nhật Không giới hạn Vợ/ chồng là người Nhật hoặc là người sinh con là người Nhật hoặc nhận con nuôi là người Nhật.
25 Người vĩnh trú Không giới hạn Người nhận được giấy phép vĩnh trú từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp (không bao gồm “Người vĩnh trú đặc biệt” theo luật nhập cảnh đặc biệt)
26 Vợ hoặc chồng là người vĩnh trú Không giới hạn Là vợ/ chồng của người vĩnh trú và người vĩnh trú đặc biệt; là con cái được sinh ra và đang thường trú tại Nhật
27 Người định cư Không giới hạn Là người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận tư cách lưu trú do có lý do đặc biệt (người tị nạn, thế hệ thứ 3 của người Nhật sống ở nước ngoài, nạn nhân chiến tranh,…)

Tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Thành phố Hồ Chí Minh, bạn chỉ có thể xin được Visa nhập cảnh mà không thể xin được tư cách lưu trú.

Tiếp theo, chúng tôi xin giới thiệu về Visa nhập cảnh.

Visa nhập cảnh của Nhật là gì?

Visa Nhập cảnh (thị thực) là giấy phép cần thiết khi người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Nhật Bản.

(Nơi xin visa)
・Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội
・Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Thành phố Hồ Chí Minh

(Loại visa)
・Thị thực một lần: (Single visa- Visa đơn): trong thời gian hiệu lực, chỉ có thể nhập cảnh 1 lần (Nếu sử dụng một lần thì sẽ mất hiệu lực).
・Thị thực nhiều lần (Multiple visa): trong thời gian hiệu lực, có thể nhập cảnh nhiều lần.

Visa chỉ có chức năng như một giấy phép cho phép bạn nhập cảnh, còn sau khi nhập cảnh, nếu không có tư cách lưu trú thì bạn sẽ không được phép lưu trú tại Nhật.

Trường hợp là khách du lịch lưu trú tại Nhật với mục đích tham quan ngắn hạn (Tư cách số 18 như trong bảng phía trên)

Nếu chỉ có visa, khi kiểm tra nhập cảnh sau khi bạn đặt chân đến Nhật, Cục xuất nhập cảnh sẽ cấp cho bạn tư cách lưu trú loại lưu trú ngắn hạn nên trước khi sang Nhật bạn không nhất thiết phải lấy được Chứng nhận tư cách lưu trú.

Tuy nhiên, nếu lưu trú tại Nhật với mục đích làm việc hay du học (Các tư cách lưu trú từ 1~17, 19, 20,.. như trong bảng trên) thì cần phải có cả tư cách lưu trú (Giấy chứng nhận tư cách lưu trú) và visa nhập cảnh. Hiện nay, bạn bắt buộc phải lấy được tư cách lưu trú (Giấy chứng nhận tư cách lưu trú) trước khi được cấp visa.

Bạn có thể xin và nhận visa nhập cảnh ở Việt Nam nhưng, tư cách lưu trú (Giấy chứng nhận tư cách lưu trú) chắc chắn phải xin từ phía Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản. Chính vì thế, với những ai muốn xin tư cách lưu trú mà không sống tại Nhật cần nhận được sự hỗ trợ từ công ty nơi bạn làm việc, trường bạn định du học đứng ta làm người đại diện giúp bạn xin tư cách lưu trú .…

Quá trình để có thể lưu trú tại Nhật Bản

*Trường hợp tư cách lưu trú là đi làm và du học, không phải là du lịch ngắn hạn

Ví dụ: Giả dụ bạn đang sống tại Việt Nam, và không sinh sống tại Nhật Bản.

・Quyết định cơ quan sở thuộc tại Nhật (doanh nghiệp nơi sẽ làm việc hay trường mà bạn sẽ theo học (đại học, trường senmon, trường tiếng) .

*Bạn sẽ tham dự và phải đỗ các kì thi như bài kiểm tra nghề nghiệp, phỏng vấn …

 

・Gửi đơn xin chứng nhận tư cách lưu trú đến Cục xuất nhập cảnh tại các địa phương của Nhật, và sẽ nhận được tư cách lưu trú (Giấy chứng nhận tư cách lưu trú). Nếu bạn đang sống ở Việt Nam thì sẽ không thể làm đơn xin cấp tư cách lưu trú nên bạn phải thông qua công ty, nhà trường là nơi bạn sẽ thuộc vào khi sang Nhật thay bạn nhận Giấy chứng nhận tư cách lưu trú.  
*Để nhận được tư cách lưu trú (Giấy chứng nhận tư cách lưu trú) bạn sẽ mất khoảng từ 1 đến 3 tháng

 

Sau khi nhận được tư cách lưu trú (Giấy chứng nhận tư cách lưu trú), cơ quan trực thuộc phía Nhật sẽ gửi về Việt Nam.

 

・Khi nhận được tư cách lưu trú (Giấy chứng nhận tư cách lưu trú) từ Nhật gửi về bạn cần mang Giấy chứng nhận tư cách lưu trú cùng các giấy tờ khác đến Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh và xuất trình để xin visa nhập cảnh.
* Thời gian cho đến khi lấy được visa nhập cảnh sẽ mất khoảng 1 tuần.

Khi xin visa nhập cảnh bạn không nhất thiết phải trực tiếp đi xin mà có thể nhờ người đại diện xin thay. Ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn có các công ty cung cấp dịch vụ xin visa nhập cảnh nên với những ai không sinh sống tại hai thành phố này có thể thông qua dịch vụ này để xin cấp visa thay cho mình (bạn sẽ phải trả tiền cho dịch vụ này).

Trên đây là những thông tin cơ bản và cụ thể nhất về Giấy chứng nhận tư cách lưu trú và visa nhập cảnh.

Nếu có câu hỏi hay thắc mắc nào khác về các loại giấy tờ cần thiết khi đi xin phát hành hay về các loại thủ tục thì các bạn đừng ngại ngần mà hãy để lại comment tại website này hoặc comment trên trang Facebook của chúng tôi nhé!

Các bạn có thể tham khảo thêm “Cách xin giấy thủ tục tư cách lưu trú tại Nhật Bản” ở trang web dưới đây.

Cách xin giấy thủ tục tư cách lưu trú tại Nhật Bản